Dược Mỹ phẩm - Mỹ phẩm chuyên nghiệpThực phẩm chức năng - Collagen uốngThiết bị Thẩm mỹ, Y khoaFlash sale KGB storePhụ tùng - vật tư thẩm mỹ - y khoaKhuyến Mãi 2024Thiết bị Y KhoaThiết bị chăm sóc tại nhà

Mỹ phẩm dỏm

Khó kiểm soát mỹ phẩm trôi nổi

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý mỹ phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết hằng năm cục, sở y tế các tỉnh, thành phố đều hậu kiểm - lấy mẫu kiểm tra chất lượng mỹ phẩm. Với mỹ phẩm được sản xuất quy mô, có dây chuyền đạt chuẩn, có nhân lực đảm bảo thì thường được kiểm soát ổn định về chất lượng. “Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong việc ngăn chặn các mỹ phẩm trôi nổi”, ông Lợi nói.

Theo các bác sĩ, lỗ hổng lớn trong quản lý mỹ phẩm hiện nay đó là ai cũng có thể tự công bố, đăng ký sản xuất mỹ phẩm được. Khi “có chuyện”, cơ quan quản lý hậu kiểm, thì mỹ phẩm chất lượng kém đã được bán ra thị trường rồi, gây hậu quả rồi.

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng thị trường mỹ phẩm hiện nay muôn hình vạn trạng với nhiều nhãn hàng lạ lẫm, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác, cẩn thận khi mua sản phẩm. Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ nắm được những cơ sở lớn, cơ sở “có tóc”, còn những cơ sở nhỏ, lẻ, tự sản xuất, những mỹ phẩm bày bán ở chợ... thì rất khó quản lý. Theo ông Trạng, bất hợp lý trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay đó là các cá nhân tự công bố sản phẩm, rồi tự sản xuất mỹ phẩm, cơ quan quản lý không khảo sát, thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó như thế nào. Lợi dụng điều này, cá nhân, tổ chức làm ăn không đàng hoàng, có thể công bố thành phần của sản phẩm một đàng, nhưng rồi sản xuất một nẻo, không đúng với những gì đã đăng ký. Khi bị phát hiện hay xảy ra chuyện, cơ quan chức năng đi kiểm tra thì một lượng lớn mỹ phẩm kém chất lượng đã được bán ra ngoài.

Khuyến cáo từ nhà chuyên môn, nhà quản lý

Bác sĩ Huỳnh Huy Hoàng (Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM) khuyến cáo các chị em tuyệt đối không dùng mỹ phẩm mà mình không biết rõ về sản phẩm, về công ty sản xuất, hàng trôi nổi. Không quá tin tưởng vào người bán quảng bá về sản phẩm có thành phần này nọ, mà cần xem kỹ thông tin trên nhãn mác, giấy chứng nhận... Nếu không may bị biến chứng thì ngưng dùng sản phẩm và đi khám ngay.

Theo bác sĩ Huy Hoàng, có 3 mức độ xảy ra khi dùng mỹ phẩm: nhẹ nhất là viêm da tiếp xúc kích ứng (mỹ phẩm nào cũng có thể gặp); viêm da tiếp xúc dị ứng nặng hơn (da đỏ, nổi mụn nước, ngứa); thứ 3 nguy hiểm nhất là biến chứng do mỹ phẩm có chất corticoid làm phát mụn trứng cá, đỏ da, ngứa, nám, teo da, mọc nhiều lông ở mặt...

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), lưu ý thêm: “Một số bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm cho biết vì họ cả tin, bởi sản phẩm được giới thiệu làm từ các thành phần thiên nhiên, không gây kích ứng, sản phẩm thích hợp cho mọi loại da...”.

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Cục Quản lý dược đang chú trọng kiểm tra chất lượng mỹ phẩm thuộc các dòng sản phẩm chuyên biệt như: làm trắng; ngăn ngừa, giảm nám, ngăn ngừa mụn... Đây là các sản phẩm có chứa các thành phần cần kiểm soát, hạn chế về hàm lượng”. Ông Lợi cũng lưu ý, người dùng nên thận trọng khi lựa chọn mỹ phẩm, có thể cần đến bác sĩ chuyên môn tư vấn.

Theo các bác sĩ, trong mỹ phẩm có hai nhóm thành phần cơ bản là chất tạo mùi và chất bảo quản - là hai chất dễ gây kích ứng, dị ứng. Do đó, các mỹ phẩm đều có nguy cơ gây dị ứng. Tuy nhiên, nguy cơ gây dị ứng, kích ứng khác nhau giữa mỹ phẩm được sản xuất đảm bảo, có nguồn gốc đàng hoàng và mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng. Mỹ phẩm được kiểm soát, được thẩm định, kiểm định nghiêm ngặt thì nguy cơ gây dị ứng, kích ứng thấp hơn. Còn với mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sẽ tăng nguy cơ gây kích ứng, dị ứng cho da.

Theo Thanh Niên